Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường

Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật sức khỏe và môi trường

Thứ Năm , 17/08/2023 00:00

HƯỚNG DẪN LẤY MẪU NƯỚC

  • 60

 

HƯỚNG DẪN LẤY MẪU NƯỚC

 

     1.      Dụng cụ lấy mẫu nước

1.1.           Dụng cụ lấy mẫu để phân tích các thông số Hóa lý

- Bình hoặc chai nhựa (bằng PE, PET…), bình thủy tinh (bosilicat) tùy kích thước, trong suốt, không màu bền vững về mặt hóa học và ít hấp phụ các ion trong nước lên thành bình, nút đậy chắc và kín.

- Bình và nắp phải được rửa sạch trước khi sử dụng: súc rửa nhiều lần bằng nước thường và tráng lại từ 2-3 lần bằng nước cất, cuối cùng đem sấy hoặc để khô trong không khí.

1.2.           Dụng cụ lấy mẫu để phân tích các thông số Vi sinh

- Bình hoặc chai thủy tinh (nút mài hoặc nắp nhựa xoáy) có khả năng chịu nhiệt độ cao.

- Các dụng cụ cần được rửa sạch, tráng nước cất và tiệt trùng hấp ướt 121°C trong 30 phút hoặc sấy khô 160°C trong thời gian 2 giờ.

- Bình, chai thủy tinh, quang lấy mẫu sau khi đã tiệt trùng nên đựng trong hộp nhôm để tránh tái nhiễm.

- Dụng cụ sát khuẩn: bật lửa, bông cồn, pank kẹp.

1.3.           Một số phương tiện, dụng cụ cần thiết khác

- Quang lấy mẫu hoặc gáo nhựa, dụng cụ lấy mẫu ở độ sâu khác nhau.

- Trang bị bảo hộ (quần áo lấy mẫu hiện trường, găng tay y tế, khẩu trang, giày, ủng…)

- Nhãn chai: được dán lên thân chai/bình để ghi thông tin mẫu hoặc có thể dùng bút viết kính để ghi lên thân bình, chai lấy mẫu.

2.      Thao tác lấy mẫu nước

- Trước khi lấy mẫu cần ghi rõ thông tin mẫu, các chai lấy mẫu phải được dán nhãn, ghi đầy đủ các chi tiết như: Tên nguồn nước, địa điểm lấy mẫu, vị trí lấy mẫu, ký hiệu mẫu, thông tin người lấy mẫu, thời gian lấy mẫu (giờ,ngày/tháng/năm). Nhãn không bị rách, rơi trong quá trình vận chuyển.

- Mẫu sẽ không được phân tích nếu không rõ nguồn gốc mẫu.

- Mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay y tế, khẩu trang…

Ví dụ: Hình ảnh nhãn lấy mẫu Viện SKNN&MT

  • Lấy mẫu phân tích các thông số Hóa lý

- Mở vòi nước hết cỡ, cho nước chảy tối thiểu 5 phút để xả hết nước cũ trong đường ống nước.

- Thực hiện tráng chai 3 lần với chính nguồn nước cần lấy mẫu. Sau đó hứng nước đầy chai, đảm bảo không có bọt khí và đóng nắp lại.

- Niêm phong mẫu (nếu cần)

  • Lấy mẫu phân tích các thông số Vi sinh

Lấy mẫu phân tích các thông số Hóa lý.png

·        Lưu ý: trường hợp tại điểm cần lấy mẫu không có vòi nước để lấy mẫu , có thể dùng quang chai hoặc gáo nhựa sạch để lấy mẫu (Chi tiết tại phần 3 mục 3 một số câu hỏi thường gặp (khi khách hàng tự lấy mẫu)).

  • Vận chuyển mẫu, gửi mẫu phân tích

- Bình/Chai chứa mẫu được sắp xếp gọn gàng, theo thứ tự và bảo quản trong thùng đựng mẫu theo điều kiện tương ứng của các chỉ tiêu.

- Bình/Chai chứa mẫu được đóng kín không bị hỏng, không bị vỡ, không bị nhiễm bẩn từ bên ngoài.

- Nhiệt độ làm mát bảo quản (5 ± 3)ºC

- Vận chuyển ngay về phòng thí nghiệm để phân tích.

3.      Một số câu hỏi thường gặp (khi khách hàng tự lấy mẫu) 

TT

Một số câu hỏi

Trả lời

1

Không có bình, chai lấy mẫu chuyên dụng thì có thể sử dụng loại chai/bình nào để lấy mẫu nước?

Sử dụng chai sạch (lưu ý: trước đó chai không được chứa nước ngọt, nước uống có ga…mà chai được chứa nước uống đóng chai như lavie, aquafina…tùy kích thước 1,5 lít, 5 lít…) sau đó đổ nước không chạm miệng thành chai, súc xả 2-3 lần bằng nước cần phân tích.

2

Trường hợp vòi nước được làm bằng nhựa hoặc vật liệu không thể khử khuẩn bằng ngọn lửa bông cn thì khử khuẩn vòi như thế nào?

Có thể làm sạch vòi nước nhiều lần bằng bông tẩm cồn cả bên trong và bên ngoài nhiều lần.

3

Nếu tại điểm cần lấy mẫu (tại bể chứa nước) không có vòi nước thì lấy mẫu bằng cách nào?

Có thể dùng quang chai hoặc gáo nhựa sạch. Thực hiện các bước như sau:

- Các dụng cụ này cần được vệ sinh sạch sẽ cả bên trong và bên ngoài nhiều lần bằng nước sạch.

- Lau khử khuẩn bằng bông cồn (nếu có) và tráng lại bằng nước sạch trước khi đưa quang chai, gáo nhựa vào trong bể chứa nước.

- Tráng rửa bên trong dụng cụ lấy mẫu bằng nước cần phân tích 3 lần, lần thứ tư rót nhẹ vào chai đựng mẫu.

Lưu ý: tay không chạm vào bên trong quang chai hoặc miệng chai đựng mẫu để không làm nhiễm bẩn nước.

4

Tại sao lấy mẫu để phân tích các thông số Vi sinh thì không được lấy đầy chai?

Khoảng trống để vi sinh vật có không khí sống, tránh nhiễm khuẩn từ miệng nút chai và để khi phân tích lắc trộn mẫu được dễ dàng.

5

Nếu không có bông cồn để khử khuẩn tay hoặc găng tay y tế  để lấy mẫu thì sao?

Phải rửa tay xà phòng sạch sẽ trước khi lấy mẫu.

6

Làm thế nào để bảo quản mẫu?

Mẫu nước sau khi lấy nên được bảo quản lạnh trước khi chuyển đến phòng thí nghiệm. Có thể sử dụng đá lạnh, túi đá gel để giữ lạnh…đựng trong thùng xốp hoặc thùng bảo quản mẫu.

Mẫu nước nên được lấy và chuyển đến phòng thí nghiệm trong ngày để được phân tích càng sớm càng tốt.

7

Thể tích mẫu nước cần lấy tối thiểu là bao nhiêu?

Thể tích tối thiểu phân tích thông số Hóa lý: 1 - 4lít/ mẫu; thể tích tối thiểu phân tích thông số Vi sinh: 0,5 - 1,5lít/mẫu tùy thuộc gói xét nghiệm khách hàng lựa chọn.

8

Nếu không có nước cất tráng chai thì sẽ như thế nào?

Tráng chai bằng nước cần phân tích nhiều lần.

 

NGUYỄN THỊ MAI HƯƠNG

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường

Trung tâm Giám sát Chất lượng nước Quốc Gia

 57 Lê Quý Đôn- Hai Bà Trưng - Hà Nội

 

Bài viết cùng chuyên mục