Vi sinh vật trong nước sạch
Các vi sinh vật thường gặp trong nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt được Quy định trong QCVN 01-1/2018:BYT bao gồm:
E.coli và Coliforms có những đặc điểm quan trọng như: phân bố tương đối đồng đều trong tự nhiên trong các môi trường như đất, nước, nước cống, thậm chí trong nước uống. Chúng còn tồn tại trong phân của người và động vật máu nóng, tồn tại ở môi trường bên ngoài nhiều gấp bội số lần so với vi khuẩn gây bệnh, có thể xét nghiệm định lượng E.coli và Coliforms với phương pháp xét nghiệm đơn giản, nhanh chóng. Dựa theo các đặc điểm đó, chúng được lựa chọn làm vi sinh vật chỉ điểm cho môi trường có khả năng bị ô nhiễm do phân.
Trực khuẩn mủ xanh phân bố khá phổ biến trong môi trường tự nhiên. Nó có thể nhân lên trong môi trường nước, trên các bề mặt và được ghi nhận là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng bệnh viện với những biến chứng nguy hiểm. Chúng rất nhậy cảm với hóa chất khử trùng. Có thể sử dụng P. aeruginosa với các thông số dư lượng hóa chất khử trùng để chỉ ra điều kiện phù hợp cho sự phát triển của sinh vật này trong nước, E.coli không thể được sử dụng cho mục đich này.
Tụ cầu vàng phân bố khá phổ biến trong môi trường. Chúng được tìm thấy trên da và niêm mạc của người và động vật, đôi khi chúng được tìm thấy trong đường tiêu hóa và có thể phát hiện qua nước thải. Đặc biệt nó cũng từng được phát hiện trong nước uống và cũng là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng bệnh viện. Chúng có khả năng chống chịu với dư lượng clo dư tốt hơn E.coli. Sự có mặt của chúng trong nước có thể được kiểm soát dễ dàng bằng quy trình xử lý và khử trùng thông thường. Phân không phải là môi trường phát sinh thông thường của chúng nên E.coli không phải là chỉ thị thích hợp cho S. aereus trong nước.
Chính vì vậy, 04 con vi sinh vật nói trên đã được lựa chọn làm vi sinh vật chỉ điểm đế đánh giá chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
1. Môi trường sống
- E.coli, Coliforms: Tồn tại trong môi trường như đất, nước, thực phẩm, trong phân của người và động vật máu nóng.
- Staphylococcus aereus (Tụ cầu vàng): Phân bố nhiều trong tự nhiên và được tìm thấy trên da và niêm mạc của người và động vật. Ngoài ra chúng còn tồn tại nhiều trong môi trường bệnh viện.
- Pseudomonas aeruginosa (Trực khuẩn mủ xanh): Tồn tại trong môi trường tự nhiên như đất, nước, nước cống, trên bề mặt dụng cụ và đặc biệt là trong môi trường bệnh viện.
2. Nguyên nhân xuất hiện trong nước
- Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp… chưa được xử lý đạt quy chuẩn môi trường, chứa vi khuẩn được thải ra môi trường gây ô nhiễm nước bề mặt, nước ngầm nông và thẩm thấu qua đất xâm nhập nguồn nước ngầm làm cho nước bị nhiễm khuẩn.
- Thói quen sử dụng nước sạch chưa đảm bảo vệ sinh như: dùng gáo/gầu bẩn để múc nước trong bể hoặc sử dụng tay bẩn đề cầm gáo/gầu múc nước trực tiếp trong bể chứa.
- Bể chứa nước không có nắp đậy, côn trùng, động vật có thể xâm nhập vào bên trong hoặc lá cây rơi vào bể nước, phân hủy, v.v dẫn đến vi khuẩn sinh sôi và phân tán vào nước.
- Quá trình xử lý phân động vật, nước bể tự hoại không đúng cách trước khi thải ra môi trường làm nguồn nước bị nhiễm khuẩn.
- Hệ thống đường ống dẫn nước không kín, bị nứt/vỡ làm vi khuẩn từ môi trường xâm nhập vào bên trong.
3. Con đường xâm nhập và khả năng gây bệnh
Con đường xâm nhập vào trong cơ thể
- E.coli, Coliforms, P. aeruginosa, S. aereus : có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa do ăn phải thực phẩm còn sống, chưa được nấu chín hoặc uống phải nước bị nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, đối với P. aeruginosa, S. aereus chúng có thể đi vào cơ thể qua các vết thương hở khi tiếp xúc với các bề mặt, dụng cụ bị nhiễm khuẩn.
Khả năng gây bệnh
- E.coli, Coliforms: thường gây ra những triệu chứng như: tiêu chảy nhẹ, sốt nhẹ hoặc tiêu chảy ngắt quãng không kèm theo sốt. Đối với trẻ em hoặc người lớn tuổi có thể chuyến biến nặng như: tan máu, nhiễm trùng máu, viêm màng nào v.v.
- Trực khuẩn mủ xanh: có thể gây ra các triệu chứng như: nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm tai giữa. Đặc biệt, có thể dẫn tới nhiễm trùng máu, là loại nhiễm trùng có tỷ lệ tử vong rất cao v.v.
- Tụ cầu vàng: có thể gây ra các bệnh ngoài da như: Mụn nhọt, mụn đinh, nặng hơn có thẻ gây ra các tình trạng như viêm phổi, viêm tủy xương, nhiễm trùng máu v.v.
4. Cách nhận biết nước bị nhiễm vi sinh vật:
- Rất khó để phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm vi sinh vật gây hại bằng mắt thường, chính vì vậy, nên lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nước định kỳ tại các cơ sở xét nghiệm nước uy tín.
- Ngoài ra, khi nhận thấy nguồn nước có một số dấu hiệu bất thường như: nước có mùi hôi khó chịu kèm theo đó là bị đục, bị nhớt v.v. đây cũng là một số dấu hiệu cho thấy nước có thể bị nhiễm khuẩn.
5. Phòng ngừa và khắc phục
Phòng ngừa
- Ăn chín, uống sôi.
- Thường xuyên vệ sinh bể chứa nước, bể phải có nắp đậy kín và có vòi lấy nước.
- Không cho tay bẩn vào bể chứa nước, không sử dụng gáo/gầu bẩn để múc nước.
Khắc phục
Khi nước bị nhiễm khuẩn có thể sử dụng các thiết bị lọc nước gia đình như máy lọc nước có màng RO, hoặc thay lõi lọc, màng lọc cho các thiết bị lọc đã sử dụng lâu ngày v.v. Nếu các biện pháp trên không hiệu quả có thể thay thế nguồn nước đang sử dụng bằng nguồn nước khác. Đồng thời tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng nước bị nhiễm khuẩn để kịp thời xử lý.
Hiện nay có nhiều phương pháp để xử lý nước nhiễm khuẩn như: sử dụng máy lọc nước RO (đối với hộ gia đình), tia UV (sử dụng đèn UV), sục Ozone, hoặc sử dụng hợp chất khử khuẩn gốc clo (đối với các đơn vị cấp nước tập trung).
Tác giả
Nguyễn Tuấn Anh
Trung tâm Giám sát chất lượng nước Quốc gia – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường
1. Bùi Trọng Chiến, Nên hiểu đúng về vai trò của E.Coli và Coliforms trong giám sát nước và thực phẩm, 05/05/2008 - 07:44. Địa chỉ: https://nhandan.vn/nen-hieu-dung-ve-vai-tro-cua-ecoli-va-coliforms-trong-giam-sat-nuoc-va-thuc-pham-post495425 [15/8/2023].
2. Peter Feng, Stephen D. Weagant, Michael A. Grant. (2002). Bacteriological Analytical Manual. Food safety and Applied Nutrition.
3. Balcht, Aldona & Smith, Raymond (1994). Pseudomonas Aeruginosa: Infections and Treatment. Informa Health Care. tr. 83–84.